Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

PHƯƠNG PHÁP MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ

  null Bệnh trĩ là bệnh rất thường gặp ở nước ta. Phần lớn người bệnh đến khám vì đi cầu ra máu đều có bệnh trĩ, đến nỗi danh từ này đã trở thành quen thuộc với mọi người.       Theo chuyên môn, trĩ là trạng thái sinh lý bình thường ở ống hậu môn. Khi trĩ phát triển nhiều quá tạo nên bệnh và gây ra những điều khó chịu như đi cầu ra máu, đi cầu có khối sa ra ở hậu môn hoặc đau vùng hậu môn.
     Đối với bệnh trĩ, người bệnh không nên quá lo ngại vì bệnh thường không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, những phiền toái mà nó mang đến có thể ảnh hưởng đến đời sống và cần phải được điều trị. .
    Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ, tùy theo phân loại:
  • Trĩ ngoại là trĩ gần như lúc nào cũng nằm bên ngoài ống hậu môn (người bệnh có thể sờ thấy được). Với trĩ loại này, chỉ điều trị khi có khó chịu như đau và có cục cứng ở cạnh rìa hậu môn (dấu hiệu của búi trĩ bị cục máu đông gây tắc lại)
  • Da thừa hậu môn là búi trĩ ngoại bị teo lại, chỉ còn da bao bên ngoài, người bệnh luôn cảm thấy có cục “thịt dư” ở hậu môn, có thể lớn lên khi đi cầu. Chỉ điều trị khi da thừa quá lớn làm người bệnh khó chịu khi đi vệ sinh hay khi mặc quần ôm. Da thừa hậu môn về nguyên tắc không cần phải mổ.
  • Trĩ nội là búi trĩ phát xuất từ bên trong hậu môn, người bệnh có thể không sờ thấy được (độ 1) hay chỉ sờ được khi rặn đi cầu, sau khi hết đi cầu trĩ có thể tự tụt lên (độ 2) hay người bệnh phải dùng tay đẩy vào (độ 3). Điều trị trĩ giai đoạn 1,2 thường bằng thuốc uống hay các phương pháp không mổ. Khi búi trĩ lớn (phải dùng tay đẩy vào –độ 3) hay không đẩy vào được sau đi cầu- độ 4) hay trĩ chảy máu nhiều không điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác được thì cần mổ. 
    Có nhiều phương pháp mổ đối với bệnh trĩ.
         Phương pháp mới nhất là cắt trĩ bằng máy PPH (phương pháp LONGO) . Phương pháp Longo ra đời từ năm 1993, là phẫu thuật sử dụng một máy cắt tự động để cắt một vùng trên các búi trĩ, lấy đi mạch máu nuôi các búi trĩ làm cho nó teo dần đi đồng thời treo các búi trĩ lên cao hơn.
         Đây là cách mổ ít đau hơn cho người bệnh, có thể cho phép phục hồi sớm hơn để sinh hoạt lại bình thường nhưng giá tiền cao. Đối với người bệnh có bảo hiểm y tế thì sẽ được thanh toán một phần tùy theo chế độ bảo hiểm của người đó.
         Tuy nhiên, khi bệnh trĩ của bạn là trĩ nội, không quá lớn (thường không phải độ 4), chưa có các biến chứng như có cục máu đông thì mới dùng được cách mổ này.
         Nếu người bệnh có trĩ ngoại hay da thừa hậu môn kèm theo cần cắt bỏ thêm vào phương pháp Longo thì sẽ đau hơn một chút.
         Sau khi mổ xong, một số khó chịu người bệnh có thể tạm thời gặp phải là tiểu khó (có khi cần đặt ống thông tiểu), cảm giác mắc cầu mà đi cầu không có phân, chảy dịch nhày qua hậu môn hay đau thốn hậu môn. Những triệu chứng này sẽ được bác sĩ cho thuốc và sẽ giảm dần.     
          Người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị sau mổ theo hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế để đạt kết quả mong muốn, đặc biệt là chế độ ăn và sinh hoạt, trong đó có việc giữ không để đi cầu bón, vì đây là yếu tố thuận lợi làm cho bệnh trĩ tái phát.
          Hình 1: Hình dáng ngoài của máy cắt trĩ theo phương pháp Longo, mỗi máy chỉ dùng cho 1 bệnh nhân
            Hình 2: Mvài bước thực hiện cuộc mổ
             Hình 3: Một trường hợp sau mổ bằng phương pháp Longo(vì không có vết mổ ở hậu môn nên người bệnh thường ít đau)
                                                                           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét