Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

- CHỤP CẮT LỚP ĐIỆN TOÁN SỌ NÃO


CHỤP CẮT LỚP ĐIỆN TOÁN SỌ NÃO

MỤC TIÊU HỌC TẬP: Qua bài này sinh viên có khả năng:
1.  Giải thích được nguyên tắc cơ bản của phương pháp chụp cắt lớp điện toán (CLĐT).
2.   Trình bày các chỉ định của CLĐT trong chấn thương sọ não & một số bệnh lý của hệ thần kinh trung ương.
3. Đọc được các dấu hiệu máu tụ, dập não, phù não trên CLĐT sọ não
1. ĐẠI CƯƠNG:
Năm 1895 Nhà vật lý Đức W.C. RÖntgen đã tìm ra tia X, từ đó về sau đã có nhiều cải tiến kỹ thuật nhưng vẫn còn hạn chế trong khảo sát và chẩn đoán các tạng. Năm 1972 G.N. Hounsfield & A.M. Cormack đã phát minh ra phương pháp chụp cắt lớp điện toán (CLĐT), có thể xem đây là bước tiến bộ lớn nhất kể từ thời đại sau RÖntgen; chính vì công lao to lớn này mà hai tác giả trên đã nhận được giải Nobel y học vào năm 1979. Cho đến ngày nay, phương pháp này càng được phổ biến và kỹ thuật ngày càng được nâng cao.
2. NGUYÊN TẮC 
            Phương pháp chụp CLĐT là phép đo mật độ của các điểm khối (voxel) của 1 lớp cắt sọ não, chụp CLĐT nghiên cứu độ suy giảm của chùm tia X khi qua một lớp cắt của não. Chùm tia X được nén mỏng, chỉ quét một lớp mỏng để tránh hiện tượng chồng chất hình ảnh, hạn chế tối thiểu
sự tán xạ.
            Nhờ máy vi tính xử lý sẽ cho hình ảnh 100 lần chính xác hơn phương pháp chụp X Quang cổ điển, tuy nhiên một mặt phẳng chiếu không đủ để tái tạo trọn vẹn hình ảnh của một lớp cắt nên cần có chuyển động xoay quanh trục chính của bệnh nhân.
            Các bộ dò hay bộ phận cảm biến (detectors) tạo bởi những tinh thể nhấp nháy (scintillation
crystals) hay các buồng khí Xenon, cho phép đo độ suy giảm của chùm tia X khi qua lớp cắt của sọ.
            Độ hấp thu chùm tia X của các khối vật chất được tính theo phương trình Lamor:
            I= Ie-mL.
            I0: cường độ tia ban đầu
            I: cường độ tia sau khi xuyên qua lớp cắt
            m: hệ số hấp thu, phụ thuộc vào mật độ điện tử, bậc nguyên tử của cấu trúc mô khác nhau trong
cơ thể.
            L: bề dày của lớp cắt.
Biết đ ược I0, I, L ta tính được các hệ số hấp thu của khối vật chất mà chùm tia X đi qua. Trên một lớp cắt, chùm tia X quét theo nhiều hướng khác nhau và lớp cắt được chia thành nhiều khối bằng nhau, ta có thể tính được từng hệ số hấp thu m1,m2,m3mn, nghĩa là ta biết được bản chất của từng khối vật chất cấu thành lớp cắt đó.
            Các dữ liệu suy giảm của chùm tia X sau khi đi qua lớp cắt sẽ được chuyển đến một hệ thống vi tính để xử lý , chuyển giá trị số thành giá trị hình tương tự nghĩa là hình ảnh lớp cắt được tái tạo với các mức xám (Gray shadows) khác nhau.
3. KỸ THUẬT 


3.1. Thực hiện
            - Bệnh nhân nằm ngữa, đầu bất động. Thực hiện các lớp cắt sát nhau từ 5 đến 10mm theo mặt phẳng đuôi mắt- ống tai ngoài.
            - Cho thuốc an thần hoặc gây mê cho bệnh nhân kích động hay trẻ em.
            - Thực hiện lớp quét toàn bộ theo tư thế nghiêng (scout view) từ đó xác định vị trí và hướng các lớp cắt ngang theo mặt phẳng đuôi mắt-ống tai ngoài.
            - Thực hiện một chuổi lớp cắt ngang  khoảng 20 lớp cắt không tiêm thuốc cản quang, dày 5mm ở hố sau và 10mm ở tầng trên lều tiểu não; ít khi cần tiêm thuốc cản quang trong bệnh nhân chấn thương sọ não.
            - Trên màn hình TV quan sát các cấu trúc mô não dưới cửa sổ hẹp và cấu trúc xương dưới cửa sổ rộng. Có thể tái tạo theo mặt phẳng trán (coronal plan) hay đứng dọc (sagittal plan) nhưng hình ảnh không rõ nét.
3.2. Thang mật độ HOUNSFIELD 
              G.N.Hounsfield  đã xây dựng 1 hệ thống đơn vị để đo mật độ gọi là hệ thống đơn vị Hounsfield (UH), phân chia sự hấp thu tia X thành 2000 mức khác nhau. Do mắt thường chỉ phân biệt được khoảng 20 mức nên phải quan sát dưới nhiều cửa sổ.
               cửa sổ hẹp: để khảo sát nhu mô não, dùng cửa sổ có độ rộng khoảng 100 UH, điểm trung tâm ở mức + 20.
                cửa sổ rộng: (> 400 UH) để khảo sát xương: xương sọ sẽ thấy rõ, các cấu trúc khác có màu xám nhạt.
Thang mật độ G.N. Hounsfield gồm :
             mật độ cao:  từ + 40 đến +1000.
             mật độ ngang: từ + 25 UH đến + 40UH, tương ứng với mật độ của chất trắng và chất xám. Hai chất này có mật độ hơi khác nhau do thành phần nước và lipid: chất trắng có 82% nước, chất xám có 71% nước và lipid là 8%.
             mật độ thấp: < + 25 UH.
4. CHỈ ĐỊNH 
-         Chấn thương sọ não
-         Tràn dịch  não thất, teo não.
-         U não
-         Áp xe não
-         Bệnh lý mạch máu não (nhồi máu não, xuất huyết não), dị dạng mạch máu não (túi phình động mạch, u mạch máu).
5. TRIỆU CHỨNG CỦA CLĐT 
            Một tổn thương trên  chụp CLĐT được trình bày bằng vị trí, thể tích và mật độ riêng so với mật độ của các cấu trúc bình thường là giảm, đẳng hay tăng mật độ.
            Khi tiêm thuốc cản quang sẽ cho phép ta nghiên cứu ảnh hưởng lên hàng rào máu não của tổn thương và phân bố mạch máu của tổn thương.

CHỤP CLĐT VÀ CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

1. CHỈ ĐỊNH
-         Bệnh nhân tĩnh (TĐ Glasgow: 14-15), có nứt sọ trên phim X Quang sọ, hay có nhức đầu tăng, nôn ói v.v.
-         Các bệnh nhân lơ mơ Glasgow <13.
-         Các bệnh nhân có giảm tri giác hay/ và có dấu thần kinh khu trú.
-         Bệnh nhân đa thương : cần loại trừ CTSN để can thiệp phẩu thuật ngực, bụng, gãy xương.
-         Các bệnh nhân có vở nền sọ, vết thương sọ não.
-         Trẻ em < 2 tuổi hay người già > 65 tuổi.
2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
            Bệnh nhân bị choáng & suy hô hấp, bệnh nhân hôn mê sâu (Glasgow =3 ) và mất phản xạ thân não.
. ĐỌC KẾT QUẢ CLĐT 
3.1. Chấn thương sọ não sớm (< 48 giờ) :  CLĐT cần thực hiện cho tất cả bệnh nhân có bất tĩnh và rối loạn trí nhớ sau chấn thương. Theo Narayan RK, qua 658 bệnh nhân CTSN nhẹ (thang điểm Glasgow : 13-15), 18% có bất thường trên CLĐT. Trong nhóm CTSN vừa (TĐ Glasgow : 9- 12), qua nghiên cứu 341 bệnh nhân có 40% có bất thường trên CLĐT.3
       3.1.1. Tổn thương ngoài não:
   - Máu tụ ngoài màng cứng (H.1): hình ảnh tăng mật độ, hình thấu kính lồi, khu trú thường ở vùng thái dương, trán, đỉnh.
   - Máu tụ dưới màng cứng cấp (hình 2): hình ảnh tăng mật độ hình liềm lan toả bờ lõm hướng vô trong.
- Chảy máu màng nhện: xảy ra từ 25- 33% trong CTSN, trên CLĐT có hình ảnh tăng mật độ ở các bể dịch não tủy hay rãnh vỏ não.
 - Tụ dịch não tủy dưới màng cứng: hình ảnh dạng liềm ngoài não và giảm mật độ.
 - Dấu hiệu tổn thương xương sọ hoặc xoang: nứt sọ, lõm sọ, giãn khớp sọ, tụ dịch trong các xoang.
 - Tổn thương da đầu: giúp hồi cứu cơ chế chấn thương, cơ chế dội.
 3.1.2. Các tổn thương trong mô não: gồm :
   - máu tụ trong não (hình 4): tổn thương mật độ cao (>5ml) trong mô não.

- phù não: tổn thương mật độ thấp, khu trú quanh ổ dập hay lan toả cả bán cầu.
- dập não: các tổn thương mật độ hổn hợp dạng muối tiêu gồm tổ chức phù nề và xuất huyết.
 - tổn thương sợi trục lan toả (hình 5): các đốm chảy máu li ti vài mm ở thể chai, phần ranh giới giữa chất xám và chất trắng, phần sau bên trung não v.v.
- tụ khí trong não: vùng mật độ thấp trong mô não.
 - xuất huyết não thất: xảy ra từ 3-10% trong CTSN, có thể đơn thuần hay phối hợp với máu tụ trong não hay tổn thương sợi trục.
 - nhồi máu não: vùng giảm mật độ, có thể phân bố theo khu vực tưới máu của động mạch hay chung quanh ổ máu tụ. Ví dụ động mạch não sau.


3.2. Chấn thương sọ não muộn (sau 48 giờ)
  - máu tụ dưới màng cứng bán cấp, mãn tính: giai đoạn này các huyết cầu tố (hemoglobin) bị phân hủy thành methemoglobin hay hemosiderin  sẽ có mật độ ngang hay mật độ giảm.
  - tụ mũ dưới màng cứng, áp xe não…
  - chảy dịch não tủy qua tai hay qua mũi: chụp CLĐT khảo sát xương đá và nền sọ trước bằng các lớp cắt theo mặt phẳng trán để tìm mức nước hơi hay tụ dịch trong các xoang sàng, xoang bướm
  - dò động mạch cảnh – xoang TM hang : Chụp CLĐT + tiêm thuốc cảng quang sẽ thấy sự giãn tĩnh mạch mắt và xoang TM hang.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. CLARISSE J., et al. (1993). Scanner du crâne et de l’encéphale.Méthode de lecture et d’interprètation.; Masson: Paris.
2. MONNIER J.P., TUBIANA J.M., (1990). Radiodiagnostic. 4e Edit; Masson: Paris.
3.  Narayan RK (1994). Closed Head Injury. In: Rengachary SS & Wilkins RH eds. Priciples of Neurosurgery. Wolfe: London, 20p.
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ
A. Chọn 1 câu đúng:
1. Xét nghiệm hình ảnh học có giá trị nhất đế chẩn đoán CTSN cấp:
            A. Mạch não đồ
            B. Cắt lớp điện toán@
            C. Cộng hưởng từ
            D. Siêu âm não.
2. Xét nghiệm hình ảnh có giá trị nhất cho CTSN bán cấp/mãn tính:
            A. Cắt lớp điện toán
            B. Cộng hưởng từ@
            C. mạch não đồ
            D. Xạ hình não.
3.         Một tổn thương tăng mật độ, hình liềm, lan rộng bán cầu là đặc trưng của:
            A. máu tụ dưới màng cứng@
            B. ngoài màng cứng
            C. chảy máu màng nhện
            D. chảy máu não thất.
4. Mật độ của máu tụ trong não sẽ giảm dần đến giai đoạn đẳng mật độ và giảm mật độ từ:
            A. ngày thứ hai
            B. ngày thứ tư
            C. tuần lễ thứ nhất
            D. tuần lễ thứ hai.@
5. Một tổ thương tăng mật độ khu trú hình thấu kính lồi là đặc trưng của:
            A. máu tụ trong não
            B. máu tụ ngoài màng cứng@
            C. máu tụ dưới màng cứng
            D. máu tụ trong não thất.
6. Xuất độ tổn thương trên CLĐT ở nhóm bệnh nhân nhẹ có bất tĩnh và rối loạn trí nhớ:
            A. 5%
            B. 12%
            C. 18%@
            D. 22%.
7. Xuất độ tổn thương trên CLĐT ở bệnh nhân CTSN trung bình là:
            A. 10%
            B. 2)%
            C. 30%
            D. 40%.@
B. Chọn 1 hoặc nhiều câu đúng:
Câu 1.
            A. Mật độ trên CLĐT phụ thuộc vào bậc nguyên tử@.
            B. Mật độ tăng khi giảm hồng cầu dung tích.
            C. trong giai đoạn mãn tính thường mật độ giảm.@
            D. CLĐT là phương pháp khảo sát bằng từ trường.@
C.
Câu 1-4: Điền vào các hình sau: